Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn là loại muỗi mang bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm cho con người. Ảnh sưu tầm
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...
Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.
Các triệu chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và nhiều biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những ngày đầu khởi phát, sốt xuất huyết lại có những triệu chứng tương tự như các bệnh lý khác cũng gây sốt như: sốt phát ban, sốt virus… Do đó, người bệnh thường chủ quan, nhiều trường hợp tử vong do biến chứng vì điều trị quá muộn.
Phun thuốc diệt muỗi là một trong những biện pháp ngăn ngừa bệnh SXH hiệu quả.
Kỹ thuật đang phun diệt muỗi định kỳ tại công ty nước ngoài tại KCN Nam Sách. Ảnh Khai Phong
Bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể phát triển thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. SXH “có mặt” ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, SXH xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 1.662 người mắc SXH tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, đã có một trường hợp tử vong. Bệnh nhân mắc SXH rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - phụ trách khoa Cấp cứu cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, lượng bệnh nhân mắc SXH đến điều trị tại khoa Cấp cứu chưa có biến động mạnh so với mọi năm. Trung bình mỗi ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân trong đó chủ yếu là các bệnh nhân mắc SXH đã có biến chứng nặng, được chuyển từ các tuyến cơ sở lên.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, thông thường, thời điểm “lý tưởng” để SXH lây lan nhanh trong cộng đồng là từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm do thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Càng đến cuối mùa dịch, tình hình bệnh nhân mắc SXH càng diễn biến phức tạp và có nhiều biến chứng nặng hơn.
Phân biệt SXH với các bệnh sốt khác
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, trong những ngày đầu khởi phát bệnh (3 ngày đầu tiên), các biểu hiện của bệnh SXH thường giống với các bệnh lý khác cũng gây sốt như tay chân miệng, sốt phát ban, sốt virus… Theo đó, các triệu chứng điển hình là sốt cao (39-40 độ C), cơ thể mệt mỏi, đau nhức, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Tuy nhiên, với những trường hợp sốt thông thường, từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt và dần bình phục nếu được uống thuốc hạ sốt và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Còn trường hợp bệnh nhân mắc SXH, điểm khác là từ ngày thứ 4 mắc bệnh, cơ thể người bệnh bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng và rất dễ gặp biến chứng.
“Nguy cơ thứ nhất là thoát dịch qua thành mạch gây cô đặc máu, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguy cơ thứ hai là giảm tiểu cầu trong máu, gây xuất huyết dưới da, niêm mạc, nặng có thể xuất huyết nội tạng nguy hiểm đến tính mạng”, BS Nguyễn Trung Cấp phân tích.
Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ mắc SXH, các triệu chứng có thể điển hình hơn như: nôn, co giật ở những ngày đầu khởi phát sốt. Sau đó, ở những ngày tiếp theo, trẻ có thể chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen. Với trẻ em gái tuổi dậy thì có nguy cơ xuất huyết âm đạo bất thường.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trong 3 ngày đầu mắc bệnh, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà theo đơn của thầy thuốc. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm hàng ngày để phát hiện sớm tình trạng cô đặc máu và giảm tiểu cầu trong máu.
Tuy nhiên, khi thấy cơ thể đã hết sốt nhưng xuất hiện dấu hiệu người mệt lả, đau bụng, buồn nôn, chảy máu bất thường hoặc tái phát sốt cao liên tục; trẻ nhỏ thấy li bì, lờ đờ, tay chân lạnh, tím tái, nôn mửa nhiều… cần lập tức đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, trong quá trình điều trị SXH tại nhà, một số bệnh nhân thường muốn truyền dịch để bù nước khi sốt. Tuy nhiên, bệnh nhân có cần truyền dịch hay không là do thầy thuốc đánh giá trên từng thể trạng người bệnh cụ thể và cân nhắc giữa lợi ích cũng như nguy cơ của việc truyền dịch đối với cơ thể người đó.
Vì vậy, BS Cấp khuyên rằng, người bệnh không nên quá nôn nóng muốn khỏi bệnh nhanh mà tự ý truyền dịch, rất có thể gây hại đến sức khỏe và làm bệnh khó điều trị hơn.
Để phòng ngừa SXH, các chuyên gia khuyến cáo, người dân phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và khu vực xung quanh nhà sạch sẽ thông thoáng. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ….Đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bên cạnh đó, phải mắc màn trước khi đi ngủ để ngăn ngừa nguy cơ bị muỗi đốt hoặc có thể sử dụng kem bôi ngừa muỗi đốt, bình xịt diệt muỗi, nhang trừ muỗi... để phòng ngừa SXH; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch SXH.
Khi bắt đầu có những dấu hiệu nghi ngờ SXH (sốt cao đột ngột và xuất huyết), người dân cần đến đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện sớm SXH.
Theo báo giadinh.net.vn
Gọi điện - Zalo
KT1: 0976201679
KT2: 0396182888
Online: 1
Pageview: 834740